Tuyển sinh
Sự kiện hot
Sức Khỏe & Đời Sống
Bác sĩ bệnh viện công ồ ạt dứt áo ra đi
Áp lực công việc, lương thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng… đó cũng chính là những lý do mà đã khiến cho đội ngũ y - bác sĩ bỏ bệnh viện công ngày càng phổ biến hơn ở các địa phương
- Hàng trăm nhân viên y tế tại bệnh viện công ở Đồng Nai và Bình phước “Nhảy việc”
- Phẫu thuật não suốt 2 giờ mới biết là nhầm bệnh nhân
- Cán bộ nhân viên y tế có quyền tự vệ
Có một công việc ổn định, vào biên chế trong các bệnh viện (BV) công là mơ ước của rất nhiều sinh viên y khoa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các BV công ở các tỉnh, tình trạng bác sĩ (BS) xin nghỉ việc diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh cho người dân.
Xin nghỉ khắp nơi
Theo thống kê của BV Đa khoa (ĐK) tỉnh Đắk Lắk, đã có gần 40 BS, điều dưỡng viên ở đây xin nghỉ việc.
Ngoài BV này, hiện tượng BS ở tuyến y tế cơ sở bỏ việc gia tăng gây áp lực lớn cho công tác khám chữa bệnh của tỉnh này. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 23 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó có 12 BS.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, bày tỏ lo lắng trước tình trạng đội ngũ nhân viên y tế bỏ việc diễn ra khá phổ biến.
Trong năm 2017 đã có 9 BS ở các BV tuyến tỉnh và huyện xin nghỉ việc, còn từ đầu năm đến nay, có cả chục người thôi nhiệm sở. BVĐK Gia Lai là nơi có y - BS bỏ việc nhiều nhất, vừa qua có 6 người nộp đơn thôi việc.
Thời gian qua, số BS ở BVĐK tỉnh Ninh Thuận nghỉ việc cũng khá cao, khoảng 30 người. Trong đó, từ đầu năm 2018 đến nay có 8 BS nghỉ việc.
BS Thái Phương Phiên, giám đốc BV, xác nhận nhiều người trong số này là BS chuyên khoa I, là lãnh đạo của các khoa phòng hoặc thuộc diện cán bộ quy hoạch của ngành y tế.
Đáng lưu ý 6 trong 8 BS ngay sau khi nghỉ việc đã sang làm việc cho một BV tư nhân; 1 BS xin vào một BV ở TP HCM.
Ở ĐBSCL, tình trạng y - BS bỏ BV công cũng diễn ra ồ ạt. Hiện các BV, cơ sở y tế công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thiếu hụt khoảng 300 y - BS. BVĐK tỉnh Vĩnh Long cũng thiếu khoảng 30 người, trong lúc số nghỉ việc tăng cao.
BS Văn Công Minh, giám đốc BV, thông tin trong năm 2017, có 7 BS trình độ sau đại học, có thâm niên từ 7-8 năm trở lên rời BV. Con số này tăng thêm 6 người trong 4 tháng đầu năm 2018, cùng với 11 trường hợp đã nộp đơn, chờ giải quyết.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có gần 100 BS rời các tuyến y tế công. Trong đó, BVĐK Cà Mau có số lượng BS nghỉ việc nhiều nhất tỉnh.
Ngay cả tỉnh nghèo như Hậu Giang, 2 năm qua cũng có khoảng 20 BS "đào thoát" khỏi BV công để ra ngoài hành nghề.
Ở các BV công của TP Cần Thơ, số BS "nhảy cóc" sang BV tư cũng nhiều không kém. Riêng BVĐK Cần Thơ, 2 năm qua, hơn 30 BS thôi việc.
Việc hình thành ngày càng nhiều phòng khám, BV tư ở thành phố này khiến nạn "chảy máu" y - BS ở đây dự báo còn tiếp tục tăng.
Không đủ sức giữ người
Có vô số lý do khiến đội ngũ nhân viên y tế ở các địa phương bỏ việc ngày càng nhiều nhưng tựu trung là do áp lực công việc lớn; môi trường làm việc chưa tốt; làm việc xa nhà (đối với tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu); lương thấp, đãi ngộ không tương xứng...
Trực tiếp giải quyết đơn xin nghỉ việc của các BS ở BVĐK tỉnh Đắk Lắk, BS Nguyễn Đại Phong nói lý do chủ yếu vẫn là do lương nhân viên y tế quá thấp.
Ông Phong dẫn chứng một BS giỏi làm việc tại BV khoảng 20 năm nhưng lương - thưởng chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Do đó, dù nhiều người tâm huyết với nghề nhưng trước những áp lực, khó khăn về kinh tế buộc họ phải tìm chỗ làm tốt hơn, chuyển sang BV tư thu nhập cao gấp 2-3 lần hoặc mở phòng mạch tư.
Để hạn chế tình trạng "chảy máu" BS, nhiều tỉnh - thành đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho biết nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc hỗ trợ cho mỗi trường hợp trên dưới 250 triệu đồng, tỉnh đã thu hút được 19 BS và dược sĩ về làm việc.
Dù vậy, không phải địa phương nào cũng làm được như thế. Theo BS Thái Phương Phiên, thời gian qua, BVĐK Ninh Thuận cố gắng để bảo đảm thu nhập cho đội ngũ y - BS trên 10 triệu đồng/người/tháng nhưng mức này cũng không giữ chân được họ.
Thu nhập không tương xứng buộc họ phải tìm kiếm môi trường làm việc mới có thu nhập khá hơn để trang trải cuộc sống.
Theo đề án vị trí việc làm của tỉnh Đắk Lắk, nguồn nhân lực của ngành y tế tỉnh này còn thiếu trên 1.800 chỉ tiêu biên chế.
Điều này dẫn đến nhiều BV thiếu hụt nhân lực, luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh của nhiều BV đạt từ 110% đến 130%, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người bệnh.
Để khắc phục, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng do chính sách này chưa "đủ đô", trong khi điều kiện làm việc, thu nhập không cải thiện nên chưa đủ sức thu hút y - BS về làm việc.
Do đó, Đắk Lắk mới đạt tỉ lệ 6,74 BS/10.000 dân, khó có thể hoàn thành mục tiêu 8 BS/10.000 dân vào năm 2020.
Trải thảm đỏ cũng không ăn thua
Từ năm 2015, tỉnh Ninh Thuận ban hành chính sách đãi ngộ cho BS về tỉnh công tác.
Theo đó, mức hỗ trợ cho BS có trình độ tiến sĩ, BS chuyên khoa II là 300 triệu đồng/người; BS có trình độ thạc sĩ, BS chuyên khoa I, BS nội trú: 200 triệu đồng/người; BS tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá 150 triệu đồng/người, loại giỏi 180 triệu đồng/người…
Mặc dù vậy, 5 năm qua, chỉ có 37 BS về đây công tác, trong khi số xin đi, nghỉ hưu nhiều hơn nên tình trạng thiếu BS vẫn không giải quyết được.
Nguồn:http://soha.vn/bac-si-benh-vien-cong-o-at-dut-ao-ra-di-20180615103312359.htm