Tuyển sinh
Sự kiện hot
Sức Khỏe & Đời Sống
Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng dùng để hỗ trợ cho người bệnh bị táo bón lâu ngày, sử dụng thuốc không đúng cách người bệnh sẽ để lại hậu quả khó lường. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng thuốc nhuận tràng do khoa Dược - Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn chia sẻ:
- Phương pháp chữa huyết áp thấp bằng tỏi
- Penicillin là thuốc gì? Dùng để điều trị những bệnh nào?
- Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ như thế nào là đúng cách?
Thuốc nhuận tràng
Nhiều người khó đi ngoài hoặc mới bị táo bón đã vội dùng thuốc nhuận tràng, nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Vì bệnh táo bón có thể do ăn uống không hợp lý, căng thẳng thần kinh, ít vận động... nên chỉ dùng thuốc nhuận tràng không giải quyết được triệu chứng bệnh.
Vì sao không nên lạm dụng thuốc nhuận tràng?
Một số người, nhất là phụ nữ sợ béo thường lạm dụng thuốc nhuận tràng để thải nước ra ngoài, giúp giảm cân. Hậu quả là ruột của họ trở nên lười biếng, dẫn đến tình trạng táo bón. Táo bón lâu ngày sẽ trở thành mạn tính và sẽ trầm trọng thêm khi nhiều tuổi. Khi bị táo bón xảy ra ở phần thấp do phân đóng cứng ở trực tràng, gây trở ngại việc tống xuất phân ra ngoài thì chỉ cần bơm glycérine làm trơn hậu môn là bệnh nhân có thể dễ dàng đi tiêu sau 10-15 phút. Còn nếu bạn lạm dụng thuốc nhuận tràng thì có thể làm ruột bị viêm nặng dẫn đến nhiều rối loạn đường tiêu hóa.
Dùng thuốc nhuận tràng thế nào?
Thuốc nhuận tràng chỉ có tác dụng điều hòa nhanh tình trạng vận chuyển phân trong ruột nên nó được dùng trong một số trường hợp để giúp điều trị táo bón nhẹ. Hiện có nhiều nhóm thuốc nhuận tràng với chỉ định, cách dùng, liều lượng và thời gian dùng thuốc rất khác nhau, cần có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Thuốc nhuận tràng và thuốc xổ chỉ có tác dụng ngắn hạn và chỉ nên dùng trong 2-3 ngày. Nếu bạn dùng quá lâu, chúng có thể gây ảnh hưởng không tốt lên màng nhầy ruột.
Thuốc nhuận tràng có thể phân thành 5 nhóm chính, gồm:
Nhóm thuốc bôi nhờn khối phân, gồm các thuốc chống táo bón có hoạt chất là các loại dầu khoáng như dầu paraffine, vaseline, không hấp thu tại ruột, gây nhuận tràng cơ học sau 8-72 giờ do bôi trơn khối phân đại tràng và làm mềm phân. Điển hình là dầu paraffine, parlax, molagar... liều lượng khác nhau tùy loại thuốc.
Thuốc nhuận tràng do tăng khối lượng phân, gồm các thuốc làm tăng chất nhầy trong phân như normacol, transilane..., các chất xơ thực vật như celluson, infibran... Loại thuốc nhuận tràng này ít độc, ít gây kích thích, có thể dùng được nhiều ngày hơn các thuốc khác.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu, có tác dụng chống táo bón dựa vào đặc tính độ thẩm thấu cao của thuốc làm tăng hấp thu nước vào lòng ruột giúp cho mềm khối phân và tăng khối lượng chất phân để phân được dễ dàng đào thải. Hoạt chất làm tăng độ thẩm thấu thường là lactulose, sorbitol...
Thuốc nhuận tràng do làm tăng kích thích nhu động ruột và tăng bài xuất dịch tại đại tràng, gồm: muối magiê, phénophtaléine, docusate natri, anthraquinonic... Nhóm thuốc này chỉ dùng ngắn ngày, không dùng cho người táo bón lâu ngày và trẻ em.
Thuốc nhuận tràng dùng đường hậu môn, loại này là các thuốc gây nhuận tràng bằng cách kích thích gây tăng phản xạ tống phân của đại tràng xích-ma và trực tràng chỉ sau 5-20 phút dùng thuốc. Loại thuốc này chủ yếu dùng để chuẩn bị cho phẫu thuật hoặc soi đại tràng. Thuốc được uống 2-4 giờ trước khi tiến hành thủ thuật, gây tiêu chảy để tẩy sạch đại trực tràng, gồm: glycerine, ducosate natri + glycerine, mannitol + polyethylen glycol + caraghenat, phức hợp polyethylen glycol với các muối NaCl, sulffat natri, bicarbonat natri và clorua kali...
Biện pháp tốt nhất và lâu dài để điều trị chứng táo bón nhẹ là sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ. Các chất này không bị tiêu hóa và sẽ giữ nước, làm mềm và xốp phân, giúp phân di chuyển dễ dàng và bài tiết ra ngoài thuận lợi. Chất xơ có nhiều trong gạo, ngũ cốc nguyên hạt, rau các loại, trái cây tươi và khô. Khi ăn bạn cần nhai kỹ để nghiền nhỏ thực phẩm, giúp các men tiêu hóa trong dạ dày và ruột được tiết ra đầy đủ. Bạn cũng cần hạn chế thực phẩm có tính kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, nước có ga...