Tuyển sinh
Sự kiện hot
Sức Khỏe & Đời Sống
BS Hoàng Công Lương liên tiếp giữ quyền im lặng
Chiều nay, phiên toà xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “vô ý làm chết người” xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp tục phần xét hỏi.
- Giám đốc bệnh viện Hòa Bình cùng hành trình sai phạm
- Bác sĩ có thể từ chối để khám chữa bệnh khi bệnh nhân xúc phạm nhân viên y tế
- Sự mệt mỏi trên gương mặt bác sĩ Hoàng Công Lương trước phiên tòa 7/5
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà lần lượt hỏi các bị cáo và lãnh đạo, điều dưỡng tại BV để làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án.
Vừa bước lên, bất ngờ BS Hoàng Công Lương nói có ý kiến với VKS. BS Lương cho biết, qua báo chí đã nhận được thông tin VKS quy kết tội cho bị cáo với lý do không ký thì không chết người. Khi VKS hỏi 2 bị cáo còn lại sáng nay cũng có hướng quy kết tội cho bị cáo.
"Bị cáo không tin tưởng, vì vậy bị cáo xin được giữ quyền im lặng. Bị cáo uỷ quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội", BS Lương trình bày.
BS Lương nói thêm, bị cáo không nhất thiết phải chứng minh mình vô tội, vì vậy bị cáo giữ quyền im lặng.
Chủ toạ nói, bị cáo có trả lời hay không là quyền bị cáo, người hỏi có thể tiếp tục hỏi. Tuy nhiên đại diện VKS cho biết sẽ không hỏi mà công bố luôn các bút lục, lời khai của BS Lương trong quá trình điều tra để làm rõ có hay không việc phân công BS Lương phụ trách đơn nguyên chạy thận thuộc khoa Hồi sức tích cực.
Vì tin tưởng trưởng khoa
Trích dẫn bút lục, đại diện VKS cho biết, BS Lương từng khai được ông Khiếu giao nhiệm vụ chuyên môn điều trị, ra y lệnh cuối cùng với từng bệnh nhân.
Tuy nhiên, trình bày trước toà, bị cáo Lương cho biết, thời điểm 1/7, bị cáo đang bị tạm giam. Trong quá trình lấy lời khai, cơ quan điều tra có đưa lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực.
“Bị cáo đã dựa vào đó để đưa vào lời khai của bị cáo vì lúc đó vẫn chưa được tiếp cận giấy tờ, đành phải ghi vào đó”, BS Lương nói.
VKS hỏi: “Có nghĩa bị cáo khai dựa theo lời khai của ông Khiếu? Chỉ cần ông Khiếu là tin luôn?”. BS Lương trả lời: “Vì đang tạm giam nên không biết được phân công như thế nào, lúc đó tin tưởng trưởng khoa mình và cũng chưa ổn định tâm lý”. BS Lương cũng giải thích thêm, phân công đó chỉ là phân công về mảng điều trị.
Đại diện VKS tiếp tục hỏi: “Ngày 29/5, bị cáo có ra y lệnh cuối cùng?”. BS Lương khẳng định không ra y lệnh cuối cùng, không có chức trách, quyền hạn phân công 2 bác sĩ và xin tiếp tục sử dụng quyền im lặng.
Căn cứ theo chữ ký trên bệnh án, đại diện VKS đề nghị BS trả lời, tại sao riêng các bệnh nhân ở buồng số 1 nơi BS Lương phụ trách, chỉ có mình BS Lương ra y lệnh độc lập. Tại buồng của BS Linh và BS Huyền thì BS Lương cùng ký?
BS Lương trả lời, việc ký cùng để chia sẻ trách nhiệm chuyên môn. Trong trường hợp nếu có sai sót chuyên môn thì sẽ cùng bác sĩ đó chịu trách nhiệm, chứ không phải ký vào đó là ra y lệnh cho bệnh nhân.
“Cái này là tự bị cáo thấy phải chia sẻ, chứ không có quy định?”, VKS hỏi. BS Lương trả lời: Không rõ.
Điều dưỡng Đỗ Thị Điệp khi trả lời đại diện VKS cũng cho biết nhiệm vụ của BS Lương tại khoa chỉ là thăm khám và điều trị chạy thận cho bệnh nhân.
“Khi làm việc tại đơn nguyên thận nhân tạo, thấy vai trò của BS Lương, BS Huyền và BS Linh là như nhau. Nếu có những ký đề nghị sửa chữa thiết bị, thường đưa bác sĩ nào thì bác sĩ đó ký”, chị Điệp nói.
Tại thời điểm xảy ra sự cố vào sáng 29/5, chị Điệp cho biết không biết bác sĩ nào ra y lệnh dừng chạy thận vì lúc đó tình hình rất lộn xộn.
VKS hỏi: “Ông Hoàng Đình Khiếu khai phân nhiệm vụ phụ trách chuyên môn cho BS Lương tại đơn nguyên thận nhân tạo và đã phổ biến thường xuyên tại giao ban, chị có nắm được không?”, chị Điệp trả lời: “Tôi không nắm được, tôi không được nghe về việc này”.
BS Hoàng Công Tình (thời điểm xảy ra sự cố là phó khoa HSTC) khi trả lời VKS cũng cho biết, tất cả các bác sĩ ở đơn nguyên thận nhân tạo được ra y lệnh giống nhau. BS Lương chỉ có trách nhiệm ra y lệnh với bệnh nhân do BS Lương điều trị chứ không phải ra y lệnh cho tất cả bệnh nhân tại đơn nguyên.
Nguồn: Vietnamnet.vn