Sức Khỏe & Đời Sống

Thứ ba: 08/05/2018 lúc 16:41

Điều dưỡng viên phải tạo cảm xúc tích cực cho người bệnh

Điều dưỡng là công việc của trái tim. Người điều dưỡng phải nhạy cảm với đau đớn về thể chất và tinh thần của người bệnh, giúp đỡ người bệnh giảm nhẹ đau đớn và bớt lo lắng.

Trong thời gian qua, ngành y tế luôn đặt mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm” cho mọi hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. “Chăm sóc y tế lấy người bệnh là trung tâm ” cũng chính là phương châm cho các hoạt động chuyên môn của các cán bộ y tế.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Điều dưỡng Quốc tế 12/5 và Tuần lễ Điều dưỡng Quốc tế từ ngày 7/5-13/5/2018 do Hội Điều dưỡng Việt Nam phát động, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Đức Mục- Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam để hiểu rõ hơn về hoạt động chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm của đội ngũ điều dưỡng.

Ông Phạm Đức Mục

Duy trì đi buồng bệnh hằng ngày: Giải pháp quan trọng nhất để cải thiện thông tin giữa thầy thuốc với người bệnh/GĐNB

PV: Thưa ông, cần hiểu hoạt động Chăm sóc y tế lấy người bệnh là trung tâm là như thế nào?

Ông Phạm Đức Mục: Viện nghiên cứu Y học Mỹ (IOM): Chăm sóc lấy người bệnh là trung tâm (Patient Centered Care-PCC) là thiết lập quan hệ đối tác giữa cán bộ y tế với người bệnh và gia đình người bệnh (GĐNB), mọi can thiệp chuyên môn dựa trên nhu cầu của người bệnh, đồng thời cung cấp thông tin để người bệnh, GĐNB cùng thầy thuốc đưa ra quyết định chăm sóc điều trị cho chính họ.

Ở các nước phát triển như Mỹ, Canada mô hình Chăm sóc lấy người bệnh là trung tâm đã được khởi xướng từ những năm 1970 đến nay đã trở thành nguyên lý cung cấp dịch vụ y tế của các tổ chức chăm sóc sức khỏe và một trong 6 giải pháp thiết yếu của chăm sóc chất lượng cao

PV: Vào bệnh viện điều trị, người bệnh hay có những bức xúc vì không được giải thích đầy đủ. Theo ông, cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Phạm Đức Mục: Người bệnh/GĐNB luôn mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt với thầy thuốc, muốn được tham gia nhiều hơn vào việc cùng đưa ra các quyết định điều trị và chăm sóc cho chính họ.

Các thông tin thiết yếu cần chia sẻ với người bệnh/GĐNB gồm:Thông tin về chẩn đoán, tiến triển bệnh và kết quả điều trị,  thông tin về các hoạt động chăm sóc hằng ngày, thông tin về chi phí, thông tin về thời gian chờ khám, chờ mổ, chờ xét nghiệm, dự kiến kế hoạch ra viện... để người bệnh chủ động phối hợp với thầy thuốc.

Trong các bệnh viện hiện nay, các kênh thông tin cho người bệnh/GĐNB còn nhiều khoảng trống và ngắt quãng nên chưa đáp ứng được sự mong đợi của người bệnh. Kiệm lời, cung cấp thông tin không đầy đủ và không kịp thời là một trong những nguyên nhân làm người bệnh bức xúc. Các chuyên gia y tế nghiên cứu về trải nghiệm của người bệnh đã khuyến cáo việc duy trì các thường quy đi buồng bệnh hằng ngày là giải pháp quan trọng nhất để cải thiện thông tin giữa thầy thuốc với người bệnh/GĐNB.

Ba hình thức đi buồng thường quy hằng ngày gồm: Đi buồng của bác sĩ và điều dưỡng vào mỗi buổi sáng. Đi buồng tại giường bệnh khi bàn giao ra và vào ca làm việc và đi buồng trong mỗi ca trực. Khi đi buồng, thầy thuốc và điều dưỡng kết hợp việc hỏi thăm người bệnh, lắng nghe ý kiến người bệnh, chia thông tin và cùng người bệnh/GĐNB trao đổi về kế hoạch điều trị và chăm sóc cho mỗi người bệnh trong ngày.

Người điều dưỡng phải nhạy cảm với đau đớn về thể chất và tinh thần của người bệnh

PV: Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới “Dịch vụ do điều dưỡng cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế”. Họ là lực lượng cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên và liên tục nhất cho người bệnh.  Theo ông, điều dưỡng viên cần làm gì để tạo cảm xúc tích cực cho người bệnh?

Ông Phạm Đức Mục: Người điều dưỡng chuyên nghiệp thực hiện hoạt động chuyên môn không chỉ thuần túy là làm đúng quy trình mà còn phải tạo cảm xúc tích cực để tạo niềm tin cho người bệnh. Điều dưỡng là công việc của trái tim. Người điều dưỡng phải nhạy cảm với đau đớn về thể chất và tinh thần của người bệnh, giúp đỡ người bệnh giảm nhẹ đau đớn và bớt lo lắng là thước đo về sự tận tụy với người bệnh của người điều dưỡng.

Điều dưỡng viên chăm sóc cho bệnh nhân

Do đó, người điều dưỡng ngoài việc tuân thủ quy trình kỹ thuật chuyên môn phải đặc biệt quan tâm tới cảm xúc của người bệnh để động viện họ an tâm điều trị. Những công việc chuyên môn thường quy như cho người bệnh uống thuốc, tiêm thuốc, thay băng của điều dưỡng cho người bệnh hằng ngày có thể người bệnh không nhớ nhưng nếu điều dưỡng viên tạo cảm xúc tích cực cho người bệnh, giúp người bệnh giảm nhẹ đau đớn và lo lắng có thể họ sẽ không bao giờ quên.

PV: Điều dưỡng chiếm 70%  nhân lực bệnh viện và hoạt động chăm sóc điều dưỡng cũng chính là chăm sóc người bệnh. Theo ông cần có giải pháp gì Chăm sóc lấy người bệnh làm trung tâm được thực hiện theo đúng nghĩa của nó?

Ông Phạm Đức Mục: So với các nước khu vực ASEAN, các bệnh viện của nước ta thiếu điều dưỡng nghiêm trọng, thêm vào đó điều dưỡng viên phải làm công việc hành chính giấy tờ quá nhiều,  không đủ thời gian chăm sóc người bệnh. Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy thiếu điều dưỡng người bệnh thiệt thòi do tăng nhiễm khuẩn bệnh viện, tăng sai sót chuyên môn và tang tỷ lệ tử vong.

Để đạt được tỷ lệ điều dưỡng theo đầu dân tương đương với Thái Lan phải tăng số điều dưỡng viên lên gấp 2 lần, bằng Malaysia phải tăng điều dưỡng gấp 3 lần và bằng tỷ lệ điều dưỡng theo dân số của Nhật Bản phải tăng điều dưỡng lên gấp 12 lần hiện nay.

Thực hiện nguyên lý Chăm sóc lấy người bệnh là trung tâm cần đào tạo cán bộ y tế tăng cường nhận thức về PCC. Thực hiện PCC cần sự vào cuộc của mọi cán bộ y tế và toàn hệ thống. Tuy nhiên, hiểu biết của cán bộ y tế về PCC chưa đầy đủ và mơ hồ. Vì vậy cần đào tạo cho sinh viên các trường Y và cán bộ y tế nhận thức và thực hành theo nguyên lý PCC. Nội dung đào tạo bao gồm: các nguyên tắc căn bản PCC và áp dụng PCC trong thực hành lâm sàng.

Bảo hiểm y tế cần chi trả ngày chăm sóc người bệnh theo phân cấp chăm sóc.Cơ chế chi trả của BHYT định hướng kỹ thuật tất yếu sẽ tạo nên “nút thắt” chất lượng về chăm sóc người bệnh. Bệnh viện sẽ tập trung vào các dịch vụ có thu, ít quan tâm phát triển dịch vụ chăm sóc người bệnh, mà trên thực tế người bệnh đang có nhu cầu ngày càng cao. Cơ chế chi trả theo dịch vụ kỹ thuật tạo nên sự thiếu công bằng trong đội ngũ cán bộ y tế.

Điều dưỡng làm nhiều nhưng không tạo ra kinh phí cho bệnh viện nên không được đánh giá đúng. Vì vậy, cần xem xét chi trả ngày chăm sóc người bệnh, đặc biệt là chi trả ngày chăm sóc người bệnh cấp I. Hiện nay, nhiều GĐNB đã phải thuê người chăm sóc người bệnh và phải chi trả cao từ 300.000-600.000 đồng/ngày chăm sóc.

Khôi phục nghề Hộ lý/Hỗ trợ chăm sóc trong bệnh viện. Nghề hộ lý vốn đã tồn tại nhiều năm trong các bệnh viện nước ta và hiện nay vẫn còn nhu cầu rất cao. Trước đây, không chỉ có bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên mà cả hộ lý cũng tham gia trực bệnh viện.

Hoạt động chăm sóc người bệnh vẫn cần hộ lý hoặc chăm sóc viên để thực hiện các công việc đơn giản như: thay ga, trải giường, vệ sinh người bệnh, vận chuyển người bệnh, ghi hồ sơ hành chính, lấy mạch nhiệt độ... không nhất thiết phải sử dụng điều dưỡng cao đẳng và đại học. Mô hình nhân lực điều dưỡng các nước vẫn sử dụng 20%-30% hộ lý hoặc chăm sóc viên thực hiện các công việc chăm sóc người bệnh cơ bản không mang tính kỹ thuật.

Chỉ khi đánh giá được vai trò và vị trí của người điều dưỡng trong bệnh viện, đồng thời tạo ra những cơ chế chính sách phù hợp, lúc đó người bệnh mới thực sự là trung tâm của mọi chăm sóc y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Chia sẻ

Tin tức liên quan

Chế độ ăn uống phù hợp phòng bệnh gan nhiễm mỡ

Chế độ ăn uống phù hợp phòng bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ thường gặp ở những đối tượng khác nhau, khi gặp phải chứng bệnh này mọi người cần phải tìm ra được...
Tổng hợp 5 vấn đề sức khỏe ở độ tuổi trung niên sớm phải đối mặt

Tổng hợp 5 vấn đề sức khỏe ở độ tuổi trung niên sớm phải đối mặt

Khi bước vào đội tuổi trung niên cơ thể bắt đầu lên tiếng vì vậy mỗi một người cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để giúp...