Tuyển sinh
Sự kiện hot
Sức Khỏe & Đời Sống
Gia đình nạn nhân vụ chạy thận: "Tòa hỏi dồn, vặn vẹo khiến chúng tôi cảm giác như bị cáo"
"Chủ tọa phiên tòa khiến chúng tôi cảm thấy mình không được thông cảm, chia sẻ, thậm chí còn khiến nhiều người cảm thấy mình như bị cáo đang bị xét hỏi", người nhà bệnh nhân nói.
- Giám đốc bệnh viện Hòa Bình cùng hành trình sai phạm
- Bác sĩ có thể từ chối để khám chữa bệnh khi bệnh nhân xúc phạm nhân viên y tế
- Sự mệt mỏi trên gương mặt bác sĩ Hoàng Công Lương trước phiên tòa 7/5
Cách đặt câu hỏi dồn dập, gay gắt và thường xuyên không có đại từ nhân xưng của thẩm phán – chủ tọa phiên tòa trong buổi sáng 21/5 đã khiến cho những gia đình bệnh nhân vụ chạy thận căng thẳng và bức xúc - đó là lời phản ánh của ông Đinh Văn Tính, người nhà nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng.
PV: Phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 21-5 dành phần lớn thời gian HĐXX xét hỏi các gia đình nạn nhân vụ chạy thận về những vấn đề liên quan đến khiếu nại và bồi thường dân sự. Đại diện những gia đình bị hại như ông có cảm thấy hài lòng với diễn biến phiên tòa trong ngày hôm nay?
- Phiên toà 21/5 gây cho gia đình các nạn nhân chúng tôi cảm giác rất nặng nề. Chúng tôi có rất nhiều điều không hài lòng, nhưng không hài lòng nhất là về thái độ của ông Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa với thân nhân những người bị hại chúng tôi.
Chúng tôi tham dự phiên tòa này với tư cách là người bị hại, người có quyền lợi liên quan. Nhưng thái độ và cách đặt câu hỏi gay gắt của thẩm phán - chủ tọa phiên tòa lại khiến chúng tôi cảm thấy mình không được thông cảm, chia sẻ, thậm chí còn khiến cho nhiều người cảm thấy mình như bị cáo đang bị xét hỏi.
Nhiều người trong số chúng tôi là người dân tộc ở vùng sâu vùng xa, đứng trước áp lực mà ông thẩm phán - chủ tọa phiên tòa tạo ra hôm nay, họ đã không còn giữ được sự bình tĩnh để trả lời các câu hỏi.
Chúng tôi bức xúc vì cảm thấy mình đang bị HĐXX làm khó khi vặn vẹo gia đình chúng tôi về từng khoản chi phí thuốc men, ma chay trong thời gian sau khi vụ tai biến diễn ra - điều mà không gia đình nào đáp ứng được.
Tôi mong HĐXX cần rút kinh nghiệm trong cách đối đáp với chúng tôi. Mong HĐXX lưu ý rằng chúng tôi đã chịu nhiều đau đớn, mất mát trong 1 năm qua. Chúng tôi là những người bị hại, là nạn nhân của vụ án, chứ không phải đối tượng xét hỏi.
PV: Được biết rằng việc đàm phán về mức bồi thường đã được diễn ra trong thời gian dài giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và các gia đình nạn nhân, ông có thể cho biết lý do vì sao sau 1 năm, cuối cùng chuyện này phải đưa ra tòa án?
- Tôi cho đó xuất phát từ sự không thiện chí của bệnh viện.
Bởi vì suốt từ đầu đến cuối, gia đình chúng tôi luôn chủ trương hợp tác với bệnh viện. Những bệnh nhân trong vụ án này đều coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình, nên quan điểm của chúng tôi là vừa đảm bảo được quyền lợi của mình, nhưng cũng vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp với phía bệnh viện.
Nhưng chúng tôi đã không nhận được sự đối xử như thế từ phía bệnh viện. Suốt 3 tháng đầu, bệnh viện hoàn toàn im lặng.
Đến tận ngày 15/9, hơn 3 tháng sau khi xảy ra vụ việc, bệnh viện mới mời gia đình chúng tôi đến để bàn chuyện bồi thường những mất mát về tinh thần và vật chất. Nhưng phía BVĐK Tỉnh Hòa Bình gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, về số tiền mai tang phí, gia đình chúng tôi phải chi rất nhiều khoản trong lúc tang gia. Nhưng bệnh viện yêu cầu chúng tôi phải xuất trình hóa đơn đỏ những khoản chi đó thì mới thanh toán chi phí cho gia đình với lý do "cơ quan kiểm toán đến thì không xuất toán được".
Nhưng chúng tôi biết tìm đâu ra hóa đơn đỏ cho tiền quan tài, tiền thuê phông bạt, thuê kèn trống, tiền thuê xe tang và hàng trăm khoản chi lặt vặt khác? Đó đâu phải trách nhiệm của chúng tôi? Đó là trách nhiệm của bệnh viện.
Thứ hai, về mức bồi thường tổn thất tinh thần, trong điều 591 của Luật Dân sự, thì nếu hai bên không thỏa thuận được, mức đền bù sẽ không quá 100 tháng lương cơ bản (vào khoảng 130.000.000VND). Gia đình 8 bị hại chúng tôi cũng không có đòi hỏi gì hơn ngoài 100 tháng lương đó. Nhưng BVĐK Tỉnh Hòa Bình chỉ đồng ý thanh toán từ 70-80 tháng lương.
Họ giải thích với chúng tôi rằng, mức đền bù 70-80 tháng lương căn cứ vào độ tuổi của nạn nhân, về sự chênh lệch già trẻ. Đó là điều khiến gia đình chúng tôi rất bức xúc.
Câu chuyện nhùng nhằng, giằng co suốt một năm qua, nên đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường cho những mất mát của mình. Nên cuối cùng, phía bệnh viên yêu cầu đưa vấn đề bồi thường ra để chờ Toà phân xử.
PV: Trong phiên tòa này, tại sao tất cả gia đình nạn nhân đồng loạt xin giảm nhẹ tội cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc và bị cáo Sơn, đồng thời đề nghị Tòa tuyên vô tội với bác sĩ Lương?
- Đối với bị cáo Quốc, bị cáo Sơn, chúng tôi tâm niệm đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Dù hai bị cáo này có tội, nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ già, con cái nhỏ, bản thân hai bị cáo lại là trụ cột, và chúng tôi cũng đã nhận được lời xin lỗi thành tâm từ họ, nên chún tôi đề nghị tòa xem xét, giảm nhẹ tội cho hai bị cáo.
Riêng với bác sĩ Hoàng Công Lương, thì theo hiểu biết của chúng tôi qua sự phân tích của các chuyên gia Bộ Y tế, các GS- BS đầu ngành cùng với các luật sư, chúng tôi nhận định bác sĩ Lương chỉ có nhiệm vụ khám chữa bệnh theo quy định của Bộ y tế. Bác sĩ không có nhiệm vụ quản lý về trang thiết bị vật tư. Nên chúng tôi xét thấy bác sĩ Lương không có tội trong vụ án này.
Bác sĩ Lương thành bị cáo, trong khi nhiều người có vai trò quan trọng trong vụ án lại không có mặt, không bị truy cứu, khiến tôi cảm thấy phiên tòa này đã không diễn ra công minh, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
PV: Theo thông tin từ Tòa án, ông Trương Quý Dương – nguyên GĐ BVĐK Tỉnh Hòa Bình – người ký kết vào bản hợp đồng súc rửa hệ thống RO – là nguyên nhân gây ra cái chết của 9 nạn nhân, đã có đơn xin vắng mặt tại tòa và xuất cảnh ra nước ngoài, đó có phải là một trong những lý do khiến các gia đình bị hại bức xúc?
- Tôi phải chia sẻ thật là, dù ông Trương Quý Dương là người đứng đầu bênh viện, là người cao nhất phải chịu trách nhiệm về đơn vị, tập thể do mình quản lý, nhưng từ khi xảy ra chuyện cho đến ngày hôm nay, ông Trương Quý Dương chưa một lần đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình bệnh nhân.
Đến bây giờ, người nhà bệnh nhân chúng tôi chưa ai biết mặt ông Dương như nào, cũng chưa từng nhận được bất cứ lời xin lỗi nào của ông ấy. Rất vô trách nhiệm.
Chúng tôi đã chịu đựng cả đau buồn và những nỗi bức xúc hơn suốt 1 năm nay. Nên đến phiên tòa này, chúng tôi càng bức xúc khi nghe tin ông Trương Quý Dương vắng mặt. Ông Dương là người chịu trách nhiệm cao nhất của BV Đa khoa Tỉnh Hòa bình, cũng là người ký hợp đồng súc rửa máy chạy thận, để rồi những sai sót xảy ra khiến chúng tôi mất đi người thân, vậy mà ông Dương lại không có mặt ở phiên tòa này, tôi vô cùng tức giận.
Nếu ông Trương Quý Dương (Nguyên Giám đốc BV Đa khoa Tỉnh Hòa Bình- pv) và ông Đỗ Anh Tuấn (GĐ Công ty Thiên Sơn) không có mặt ở tòa, chúng tôi khó lòng tin được phiên tòa này là phiên tòa công minh, xét xử đúng người, đúng tội.
Nên tôi mong HĐXX phải triệu tập những người này bằng mọi giá, kể cả áp dụng những biện pháp cần thiết, để thân nhân những gia đình bị hại như chúng tôi vơi đi phần nào nỗi đau.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ: "Trong phần hỏi sáng nay của HĐXX, tôi không đồng tình về thái độ của HĐXX trong cách đặt câu hỏi với những người bị hại, bởi vì trong phiên toà này, họ là những người bị hại, là những người đáng thương, họ là những người bị hại, họ có quyền yêu cầu, họ không phải có trách nhiệm khai báo.
Trong thời gian trước đây, LS chúng tôi nhận được nhiều ý kiến về việc phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết những bức xúc gây mất trận tự an ninh xã hội.
Tuy nhiên cách đặt câu hỏi của HĐXX sáng hôm nay với các gia đình nạn nhân đã không thể hiện tinh thần đó, đặc biệt là thái độ hỏi. HĐXX - với tư cách là đại diện cho cơ quan pháp luật, đại diện cho công lý, thì cách thức đặt câu hỏi với bị hại cần phải mềm mại và có sự cảm thông, chia sẻ hơn với gia đình nạn nhân".
PV: Được biết rằng việc đàm phán về mức bồi thường đã được diễn ra trong thời gian dài giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và các gia đình nạn nhân, ông có thể cho biết lý do vì sao sau 1 năm, cuối cùng chuyện này phải đưa ra tòa án?
- Tôi cho đó xuất phát từ sự không thiện chí của bệnh viện.
Bởi vì suốt từ đầu đến cuối, gia đình chúng tôi luôn chủ trương hợp tác với bệnh viện. Những bệnh nhân trong vụ án này đều coi bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình, nên quan điểm của chúng tôi là vừa đảm bảo được quyền lợi của mình, nhưng cũng vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp với phía bệnh viện.
Nhưng chúng tôi đã không nhận được sự đối xử như thế từ phía bệnh viện. Suốt 3 tháng đầu, bệnh viện hoàn toàn im lặng.
Nguồn: Soha.vn