Sức Khỏe & Đời Sống

Thứ sáu: 01/06/2018 lúc 17:22

Nhìn nhận số phận pháp lý của bị cáo "ít nổi tiếng" nhất ở trong vụ chạy thận ở Hòa Bình

Theo luật sư Phạm Quang Hòa, diễn biến phiên tòa xét xử vụ thảm án y khoa khi chạy thận diễn ra tại Hòa Bình đã diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho bị cáo Trần Văn Sơn, vấn đề "tế nhị" này ông buộc phải nói ra để thể hiện trách nhiệm với thân chủ của mình.

Không khách quan với bị cáo

Trong phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 9 người tử vong ở Hòa Bình, luật sư Phạm Quang Hòa (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ Phòng Vật tư – Thiết bị của BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã yêu cầu đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hòa Bình (VKS) đối đáp về việc bị cáo Sơn bị đề nghị mức án nặng hơn so với Hoàng Công Lương dù cùng tội danh.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị Hoàng Công Lương mức án từ 30-36 tháng tù treo vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999; Trần Văn Sơn bị đề nghị từ 4-5 năm tù cùng về tội danh này.

Bị cáo Trần Văn Sơn tại phiên tòa

Theo luật sư Phạm Quang Hòa, diễn biến phiên tòa diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho bị cáo Trần Văn Sơn.

Trước khi trình bày, ông Hòa cũng “rào trước” vì cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”, mặc dù ông không muốn có thể những lời nói của mình có thể ảnh hưởng đến bị cáo khác.

“Vấn đề này hơi tế nhị, tôi không định nói ra”, luật sư Phạm Quang Hòa mở lời. “Các luật sư phải bảo vệ cho thân chủ của mình, nhưng cần phải tránh việc bình luận và làm xấu đi tình trạng của bị cáo khác trong cùng vụ án”.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng muốn chứng minh việc VKS đã không khách quan khi đề nghị mức án với thân chủ của ông.

Luật sư Hòa khẳng định không ý kiến gì về việc có tội hay không có tội của các bị cáo, trong đó có bị cáo Hoàng Công Lương; cũng không bình luận gì về mức hình phạt án treo (cho bác sỹ Lương) là đúng hay sai. Ông Hòa đưa ra cách tiếp cận vấn đề ở một góc nhìn khác:

“Thân chủ của tôi trong vụ án này bị xác định cùng một tội danh với Hoàng Công Lương, cùng có tình tiết giảm nhẹ, cùng có nhân thân tốt, động cơ – mục đích phạm tội như nhau, cùng có lỗi như nhau”.

“Tại phiên tòa này, có lẽ HĐXX và tất cả mọi người đều nhận thấy rằng bị cáo Sơn khai báo rất thành khẩn, luôn luôn nhận lỗi về mình. Có những tình tiết Sơn hoàn toàn có thể chối bỏ và thừa khả năng để chối bỏ, nhưng Sơn đã không làm điều đó. Vậy căn cứ vào đâu mà VKS lại không đề nghị cho bị cáo Sơn mức án treo như bị cáo Lương?”, luật sư Phạm Quang Hòa đặt câu hỏi với VKS.

Luật sư Hòa cho rằng quan điểm đề nghị của VKS đối với Trần Văn Sơn là chưa khách quan, vẫn có những định kiến theo hướng buộc tội cho Sơn.

Việc VKS cho rằng bị cáo Sơn có vị trí, vai trò cao hơn so với bị cáo Lương, luật sư Hòa nói: “Đó chỉ là nhận định cảm tính mà chưa đưa ra căn cứ xác đáng để chứng minh”. Do đó, luật sư Hòa đề nghị đại diện VKS đối đáp với ông về nội dung này. Tuy nhiên, đại diện VKS từ chối đối đáp với luật sư Hòa khi cho rằng đã thể hiện quan điểm rõ ràng trong lần tranh luận trước đó.

Kiểm soát viên Bùi Thị Thu Hằng

Nhận định bất lợi cho Trần Văn Sơn

Luật sư Hòa tiếp tục cho rằng, trong quá trình diễn ra phiên tòa này, một số luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đưa ra nhận định rằng việc bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 sau sửa chữa vào ngày 28/5/2017 (1 ngày trước khi xảy ra sự cố) đã được thực hiện.

Các luật sư của Hoàng Công Lương căn cứ vào nội dung cuộc gọi điện giữa bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) với bị cáo Trần Văn Sơn và cho rằng đã có sự bàn giao.

Tại tòa, cả Sơn và Quốc đều xác nhận nội dung cuộc gọi “bàn giao” trên, nhưng vẫn cho rằng thời điểm cuộc gọi vào tối 28/5 chưa hoàn tất việc bàn giao, vì Bùi Mạnh Quốc hẹn “sáng hôm sau sẽ quay lại bệnh viện để ký bàn giao”.

Luật sư Phạm Quang Hòa cho rằng việc bàn giao “chưa được thực hiện”, đồng thời bày tỏ quan điểm nếu các luật sư của Hoàng Công Lương cho rằng “đã bàn giao” thì đây là tình tiết bất lợi cho bị cáo Sơn.

“Nếu bàn giao ở đây thì ai là người bàn giao?”, luật sư Hòa đặt câu hỏi. “Trong khi ông Thắng (Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị) đã đổ hết trách nhiệm cho Sơn rồi, cuối cùng chỉ có bị cáo Sơn chịu trách nhiệm”.

Sau khi sửa chữa xong, vào hồi 19h30 ngày 28/5/2017 (Chủ nhật), Bùi Mạnh Quốc đã gọi điện “bàn giao” cho Trần Văn Sơn. Như vậy đã có sự bàn giao máy móc, thiết bị nhưng ngày 29/5/2017 sẽ hoàn thiện thủ tục. Theo Luật sư Hòa, điều này phản ảnh việc “bàn giao” trong ngày 28/5 không thể được dùng làm căn cứ để xác định đã bàn giao, vì không thể hiện theo đúng bản chất của sự việc.

Các bị cáo tại Phiên tòa

Một số luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng căn cứ vào những tài liệu để khẳng định việc bàn giao đã thực hiện xong. Những tài liệu này gồm: Căn cứ vào nội dung kết luận điều tra và kết luận tại cáo trạng, căn cứ vào lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), lời khai của bị cáo Quốc và điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp tại cơ quan điều tra và tại phần tranh luận trước tòa.

Trong đó, đáng chú ý trong lời khai của điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp khẳng định có việc Sơn báo 'ngày mai Quốc trở lại bệnh viện'. Luật sư Hòa cho rằng, ý thức chủ quan buộc bà Điệp phải biết việc chưa bàn giao.

Liên quan đến lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc tại cơ quan điều tra, tại bút lục số 802: “Lúc đó khoảng 7h30 tối, tôi kết thúc quá trình công việc và đã gọi điện cho anh Sơn ra bàn giao và khóa cửa. Lúc đó, độ dẫn điện là 8.0, tôi về nhà nghỉ để chuẩn bị sáng hôm sau vào lấy mẫu nước đi kiểm tra”.

“Nguyên văn lời khai này, rõ ràng Quốc còn khẳng định sáng hôm sau sẽ mang mẫu nước đi xét nghiệm, chứ không thể xác định rằng việc bàn giao đã được thực hiện”, luật sư Hòa lập luận.

Tiếp theo, liên quan đến lời khai của ông Trần Văn Thắng, các luật sư cho rằng lời khai của ông Thắng khẳng định sáng ngày hôm sau (29/5/2017), Sơn đã báo cáo sửa chữa xong thiết bị. Thế nhưng, lời khai của ông Thắng vào ngày 15/8/2017 như sau:

“Sáng 29/5, anh Sơn có báo cáo tôi là việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 đã xong, tôi có chỉ đạo anh Sơn kiểm tra lại toàn bộ nội dung trong hợp đồng và làm các thủ tục tiếp theo theo quy định. Sau đó tôi đi giao ban, sau khi giao ban về, anh Sơn có điện thoại báo cho tôi là có xảy ra sự cố. Lúc đó các bác sỹ, điều dưỡng đang cấp cứu cho các bệnh nhân. Đến thời điểm này, anh Sơn vẫn chưa báo cáo gì cho tôi về thủ tục bàn giao thiết bị”.

Với căn cứ như vậy, luật sư cho rằng việc xác định Phòng Vật tư đã bàn giao thiết bị cho Khoa Hồi sức tích cực là chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Có 3 khái niệm để xem xét đánh giá gồm: bàn giao nghiệm thu, bàn giao thực tế và bàn giao sửa chữa.

Bị cáo Sơn và bị cáo Quốc được đưa về trại giam khi xét xử xong

Trong vấn đề này, luật sư của Trần Văn Sơn có cùng quan điểm với VKS khi cho rằng mới chỉ đủ cơ sở để xác định việc bàn giao sửa chữa, chứ không phải là bàn giao nghiệm thu, và điều này liên quan đến trách nhiệm của bị cáo Trần Văn Sơn.

Nguồn: Infonet.vn

Chia sẻ

Tin tức liên quan

Chế độ ăn uống phù hợp phòng bệnh gan nhiễm mỡ

Chế độ ăn uống phù hợp phòng bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ thường gặp ở những đối tượng khác nhau, khi gặp phải chứng bệnh này mọi người cần phải tìm ra được...
Tổng hợp 5 vấn đề sức khỏe ở độ tuổi trung niên sớm phải đối mặt

Tổng hợp 5 vấn đề sức khỏe ở độ tuổi trung niên sớm phải đối mặt

Khi bước vào đội tuổi trung niên cơ thể bắt đầu lên tiếng vì vậy mỗi một người cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để giúp...