Tuyển sinh
Sự kiện hot
Sức Khỏe & Đời Sống
Những tranh cãi và lập luận trước khi phiên tòa tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương
Phiên tòa đã diễn ra trong suốt 12 ngày, các bị cáo, luật sư và đại diện VKS đều đã đưa ra nhiều lập luận đã khiến phiên xử có nhiều những ý kiến trái chiều. 14h hôm nay, tòa sẽ chính thức đưa ra bản tuyên án với 3 bị cáo.
- Vụ lộ hình ảnh nhạy cảm của bệnh nhân trên tài khoản facebook có vi phạm gì?
- Bắc Giang: Nhóm người hành hung nữ điều dưỡng
- Điều chỉnh mới nhất về giá dịch vụ y tế và cắt giảm những chi phí không cần thiết
Ngày 15/5, TAND TP Hoà Bình (tỉnh Hoà Bình) mở phiên xét xử sơ thẩm với 3 bị cáo liên quan vụ án 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, Giám đốc Công ty xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố tội Vô ý làm chết người. Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ Phòng vật tư - Bệnh viện đa khoa tỉnh) bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại phiên xử, HĐXX đặt câu hỏi truy lý do vì sao sáng 29/5/2017 Quốc không yêu cầu bệnh viện lấy nước xét nghiệm sau khi đã sửa xong máy lọc nước RO số 2. Trả lời chủ tọa, bị cáo này thừa nhận bản thân đã tắc trách, chủ quan khi thấy máy vận hành đã không ngăn cản để yêu cầu lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm trước.
Xét hỏi tại tòa, Hoàng Công Lương luôn khẳng định được giao nhiệm vụ điều trị. Bị cáo nói không biết quy định sau khi bảo dưỡng máy thì phải lấy mẫu nước xét nghiệm. Lương nói Đơn nguyên thận chỉ nhận thiết bị còn việc quản lý thiết bị thuộc trách nhiệm Phòng vật tư.
Luật sư Lê Văn Thiệp thẩm vấn bị cáo Bùi Mạnh Quốc để làm rõ một số tình tiết liên quan hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Trả lời luật sư, Quốc khai từng đề xuất thay cả 4 màng lọc thẩm thấu ngược RO để không cần dùng hóa chất khi bảo dưỡng 2 màng lọc còn lại. Việc thay thêm 2 màng lọc tốn thêm khoảng 12 triệu đồng. Trên cơ sở đó, luật sư đặt câu hỏi rằng chỉ cần bỏ ra thêm 12 triệu đồng để thay màng lọc là có thể các bệnh nhân đã không chết. Bị cáo Quốc đã công nhận điều này.
Luật sư Lê Văn Thiệp đặt câu hỏi với thân chủ về việc bị cáo có nhận được quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận bằng văn bản không. Hoàng Công Lương khẳng định bản thân được đào tạo chỉ làm công việc khám chữa bệnh. Bị cáo khai bản thân chưa từng nhận lương hay phụ cấp trách nhiệm về quản lý Đơn nguyên thận. Việc Hoàng Công Lương có phải người phụ trách hay không cũng là tình tiết gây tranh cãi tại phiên toà.
Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định nguyên nhân sự cố không phải do chuyên môn bác sĩ. Ông nói trách nhiệm thuộc về nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương, Phòng vật tư và Công ty Thiên Sơn. Luật sư cũng đánh giá việc ông Dương ra nước ngoài khi đang là người liên quan, đã gây cản trở quá trình xét xử vụ án, khiến phiên tòa kéo dài.
Sau 5 ngày xét hỏi, người nhà của 9 bệnh nhân tử vong được chủ tọa đề nghị phát biểu. Đại diện các gia đình đã đồng loạt cho rằng Hoàng Công Lương không có tội. Họ mong muốn tòa tuyên bác sĩ Lương vô tội và kiến nghị xem xét trách nhiệm ông Trương Quý Dương.
Khi đại diện VKSND TP Hòa Bình truy vấn, ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức tích cực) thừa nhận đã ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận cho bác sĩ Lương vào sổ họp giao ban sau khi xảy ra sự cố chạy thận. Ông này khẳng định việc ghi thêm có sự chỉ đạo của cấp trên. Ông giải thích, điều đó chỉ để hoàn thiện thủ tục hành chính, không vì mục đích khác.
Trong phần luận tội, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng khẳng định Hoàng Công Lương không vô tội. Đại diện VKS cáo buộc bị cáo Lương là người ra y lệnh cuối cùng cho thấy trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ. Hành vi của bị cáo thuộc trường hợp vô ý phạm tội, làm giảm uy tín của bệnh viện, gây hoang mang cho quần chúng. Do đó, VKS đề nghị Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù treo.
Trong phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã đề nghị xem xét trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn. Ngoài ra, bệnh viện không ban hành quy trình bảo dưỡng, sửa chữa máy lọc thận. Do đó, bệnh viện phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Trong đó, ông Trương Quý Dương phải chịu trách nhiệm chính.
Sau gần 4 giờ liên tục bào chữa, luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa hề lập quy trình quản lý chất lượng nào về nước RO. Bà Phúc nói chưa có luật nào hướng dẫn về điều này. Bệnh viện nơi chạy thận cũng không ban hành quy trình nào liên quan đến chạy thận và chất lượng nước. Do đó, nữ luật sư gay gắt đối đáp: “Chỉ có bệnh nhân chết là không có quy trình, còn lại tất cả chúng ta đều có quy trình”.
Xuyên suốt phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 9 người tử vong, tình tiết “lời khai sinh đôi” cũng được các luật sư tập trung truy vấn. Theo luật sư Nguyễn Chiến, ở lời khai về nội dung liên quan việc ông Hoàng Đình Khiếu (Trưởng khoa Hồi sức) giao nhiệm vụ cho bác sĩ Lương, cả 2 bản khai của Lương và ông Khiếu “đều có 8 dòng, 80 chữ” và “giống nhau đến từng dấu chấm, phẩy”. Luật sư cho rằng đây là hành vi mớm cung, thông cung của điều tra viên.
Nguồn: https://news.zing.vn/nhung-lap-luan-gay-tranh-cai-truoc-khi-tuyen-an-hoang-cong-luong-post848467.html